Xã Gia Phương nằm ở trung tâm huyện Gia Viễn, là nơi sinh ra vua Đinh Tiên Hoàng. Trải qua XI thế kỷ, những câu chuyện về vua Đinh vẫn luôn là niềm tự hào của Nhân dân Đại Hoàng, Đại Hữu khi xưa-Gia Phương ngày nay. Phát huy niềm tự hào đó, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong xã luôn đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng để xây dựng quê hương Gia Phương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với bề dày lịch sử, truyền thống của vùng đất này.
Ông Đào Văn Duy, Thủ từ Đền thờ vua Đinh cho biết: Gò Bồ Đề là gò đất cao đầu làng Văn Bòng, tương truyền khi xưa là nền ngôi nhà cũ của cha mẹ vua Đinh và là nơi sinh ra Đinh Bộ Lĩnh, thuộc xã Gia Phương hiện nay. Đền thờ vua Đinh được xây dựng khoảng thế kỷ XV, cách gò Bồ Đề khoảng 200m. Năm 1993, Đền được cấp Bằng công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia. Ngoài gò Bồ Đề, xã Gia Phương còn những chứng tích, di tích khác như sông Đại Hoàng, cầu Đầm, sách Đào Áo (Đào Úc), đường Vua Đinh (đường Tiến Yết), núi Hổ, núi Kỳ Lân, các gò Mã Phù, Mã Riêng... gắn liền với những sự kiện lịch sử và những huyền thoại, truyền thuyết về vua Đinh.
Hàng năm, vào ngày sinh và ngày giỗ của vua Đinh, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ, tri ân công lao của Đinh Tiên Hoàng Đế-người lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt khi xưa. Không chỉ là nơi sinh ra vua Đinh, xã Gia Phương còn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Xã Đại Hữu (tên gọi trước đây của xã Gia Phương) là một trong 3 xã đầu tiên của huyện Gia Viễn thành lập tổ chức cơ sở của Đảng, góp phần đưa phong trào cách mạng của huyện phát triển. Với truyền thống lịch sử hàng nghìn năm, người dân xã Gia Phương ngày nay luôn nỗ lực, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp.
Đồng chí Tạ Xuân Lãnh, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phương cho biết: Tự hào là nơi sinh của vua Đinh Tiên Hoàng, cũng là nơi có truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Gia Phương luôn đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng hoàn thành toàn diện các mục tiêu về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2023, xã đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/16 chỉ tiêu đề ra.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được tập trung chỉ đạo dân chủ, thống nhất, hướng mạnh về cơ sở. Sản xuất nông nghiệp ổn định, thương mại, dịch vụ tiếp tục có bước phát triển. Văn hóa-xã hội có nhiều đổi mới, an sinh xã hội được đẩy mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục được nâng lên. Công tác quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Một minh chứng tiêu biểu cho sự đổi thay của Gia Phương ngày nay là kết quả xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, xã Gia Phương đã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Hiện nay, xã tiếp tục dồn sức hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Điển hình là thôn Văn Bòng-nơi sinh ra vua Đinh khi xưa, hiện nay đã trở thành một trong 3 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu của xã.
Ông Tạ Xuân Quế, Trưởng thôn Văn Bòng cho biết: Những năm qua, thôn đã tập trung huy động mọi nguồn lực, vận động Nhân dân đóng góp sức người, sức của để chỉnh trang, nâng cấp các tuyến đường giao thông thôn, nhà ở dân cư; trồng cây, hoa và hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến đường... với tổng kinh phí thực hiện gần 7,5 tỷ đồng. Đến nay, 100% tuyến đường trong thôn đã được bê tông hóa, có lắp đặt các biển báo, biển chỉ dẫn; 100% nhà ở dân cư kiên cố, đảm bảo sử dụng điện lưới quốc gia; trên 93% hộ gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa.
Đến hết năm 2023, thôn Văn Bòng không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân của người dân đạt 74,9 triệu đồng/ người/năm. Thôn hoàn thành mục tiêu xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu vào tháng 12/2023.
Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phương Tạ Xuân Lãnh, năm 2024, xã đặt mục tiêu xây dựng thêm 1 thôn trở thành khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Bên cạnh các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; quản lý, khai thác hiệu quả và thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương, đặc biệt là Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Qua đó góp phần quảng bá đến người dân và du khách về nơi sinh ra Đinh Tiên Hoàng Đế, đồng thời nhân lên niềm tự hào của Nhân dân địa phương, chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, xây dựng Gia Phương ngày càng phát triển.