Nhiều hoạt động góp phần nâng cao vai trò, vị thế người phụ nữ
Trong những năm qua, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm từng bước nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ, nhất là phụ nữ ở khu vực nông thôn.
Dây chuyền may tại Công ty may Gia Phú (Gia Viễn).
Dây chuyền may tại Công ty may Gia Phú (Gia Viễn).

Chị Phùng Thị Hồi về làm dâu ở xóm 6, xã Khánh Hồng (huyện Yên Khánh) được vài năm và đã khá thành thạo nghề đan cói, bèo bồng. Làm chăm chỉ, mỗi ngày chị cũng có thu nhập cả trăm nghìn đồng từ nghề phụ này. Chị Hồi chia sẻ: có sức khỏe và khả năng tiếp thu, vì vậy tôi không muốn dừng lại ở mức thu nhập đó. Nhưng muốn cải thiện được nguồn thu, tôi phải nâng cao tay nghề để có thể làm ra các sản phẩm tinh xảo hơn. Khi nào địa phương tổ chức được lớp học, tôi sẽ tham gia ngay. 

Trước mắt, tôi vẫn chăm chỉ làm nghề, nguồn thu này cũng là khoản đáng kể để trang trải cuộc sống cho gia đình. Quan trọng hơn, từ những vất vả, nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh mà tôi dễ dàng đồng cảm, chia sẻ được với chồng mình. Cuộc sống của vợ chồng tôi trở nên hạnh phúc, hiểu nhau hơn.

Xác định rõ, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, trong năm 2019, tỉnh ta đã tổ chức đào tạo nghề cho 17.300 lượt người, trong đó có 10.726 người là nữ, chiếm 62%. Toàn tỉnh cũng đã tạo việc làm mới cho 20.050 lao động, trong đó lao động nữ 10.125 người, chiếm 50,5% tổng số người được tạo việc làm mới. 

Trong năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) đã tư vấn việc làm, học nghề cho 17.958 lượt người (trong đó, lao động nữ 10.610 người, chiếm 59,08%). Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình hỗ trợ pháp lý thành lập 10 hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý với 134 thành viên tham gia. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã lựa chọn, giới thiệu 7 đề xuất ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp tiêu biểu tham gia Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2019 với chủ đề “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”, trong đó có 1 ý tưởng đạt giải và được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình tổ hợp tác chăn nuôi gà ri theo hướng an toàn sinh học” tại xã Phú Long, huyện Nho Quan. 100% cơ sở Hội đăng ký giúp đỡ 185 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh hiệu quả trong năm 2019. Trong năm 2019, các cấp Hội khai thác thêm 220,4 tỷ đồng vốn, nâng số lượt người được vay vốn lên 78.250 lượt với số vốn là 2.710 tỷ đồng, trong đó có 14.269 lượt phụ nữ nghèo. Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp phối hợp tổ chức 1.290 buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 95.155 người tham dự; tổ chức 18 lớp dạy nghề cho 584 học viên; giới thiệu tạo việc làm cho 2.983 phụ nữ.

Cùng với đó, công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng nói chung và đối với phụ nữ nói riêng tiếp tục được quan tâm. Hiện nay, toàn tỉnh có 139/143 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ làm việc là 125/143 (đạt 86,21%); có 114/143 trạm y tế tuyến xã có y sỹ sản nhi/hộ sinh, do đó chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản được nâng lên. Tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm chủng, khám thai từ 3 lần trở lên trong 3 thời kỳ thai nghén đạt 95%; 94,1% phụ nữ mang thai có HIV/AIDS được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ. Trong năm 2019, các đơn vị đã tổ chức được 306 hội nghị về dân số, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình trong đợt triển khai cao điểm truyền thông vận động và cung cấp dịch vụ với 25.677 người tham dự. 

Một số đơn vị, địa phương đã tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Cụ thể, các cấp Công đoàn tổ chức tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động tham gia vào chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ như: quan tâm đầu tư xây dựng nhà vệ sinh, phòng thay quần áo, cải tạo môi trường lao động, tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, khám chuyên khoa phụ sản cho nữ công nhân lao động. Trong năm 2019, có 310 đơn vị tổ chức khám sức khỏe định kỳ; khám chuyên khoa phụ sản cho 52.112 lượt công nhân, viên chức, lao động, trong đó nữ là 36.478 người.

Công tác truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân trong tỉnh về bình đẳng giới. Các cấp Hội phụ nữ tập trung tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, của Hội; hỗ trợ nguồn lực để phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Hoạt động tuyên truyền đã thu hút gần 90% hội viên, phụ nữ được tiếp cận thông tin; nâng cao kiến thức về nhiều mặt cho phụ nữ, góp phần thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn trong tỉnh tổ chức 689 cuộc tuyên truyền về giới, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, dân số-sức khỏe sinh sản, chính sách đối với lao động nữ cho 37.990 lượt người; tổ chức thi cắm hoa nghệ thuật, thi nữ công gia chánh, thi nấu ăn, nghe nói chuyện chuyên đề về an toàn vệ sinh thực phẩm; tập huấn, liên hoan văn nghệ, tổ chức tọa đàm nâng cao chất lượng hoạt động nữ công, phụ nữ và hạnh phúc gia đình, bình đẳng giới và ứng xử trong gia đình, biểu dương nữ công nhân lao động tiêu biểu, tổ chức tham quan du lịch, học tập trao đổi kinh nghiệm...

Để bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đã phối hợp với các ngành, các cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em… Công tác phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình tiếp tục được chính quyền, đoàn thể và người dân quan tâm. Việc bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ tư vấn và khám, chữa bệnh cho nạn nhân bạo lực gia đình được bố trí tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn đã giúp cho công tác hỗ trợ nạn nhân được kịp thời. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 145 mô hình “Phòng, chống bạo lực gia đình”, thành lập 884 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; hình thành 1.169 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; có 170 cơ sở y tế khám, chữa bệnh và tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình. Các CLB Gia đình phát triển bền vững được duy trì sinh hoạt 2 tháng một lần gắn với các buổi sinh hoạt thôn, xóm, phố. Việc can thiệp các vụ bạo lực gia đình thường được thực hiện tại địa bàn dân cư và do các nhóm “Phòng chống bạo lực gia đình” thực hiện. Do vậy, việc can thiệp, xử lý các vụ bạo lực gia đình được kịp thời hơn, tránh được những mâu thuẫn, xung đột ảnh hưởng trực tiếp đến thân thể và tinh thần của nạn nhân…

                                                                Nguồn: baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập