Tuyên truyền KỶ NIỆM 133 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2023)
Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, lớn lên đi học lấy
tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh
ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Hoàng Trù, xã
Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Thân phụ là Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu là Hoàng Thị Loan.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở một làng quê giàu
truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; chứng kiến cảnh nước mất nhà tan,
Người đã sớm hun đúc ý chí và khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho
dân, cho nước. Ngày 5/6/1911 với tên gọi mới là Văn Ba, Người
đã lên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, rời bến cảng Nhà Rồng đi Mác xây (Pháp).
Từ ngày 06/01/1930 đến ngày 07/2/1930 tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung
Quốc), Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản,
thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 28/1/1941, sau hơn 30 năm xa Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc trở về nước
(tại cột mốc 108 thuộc xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng).
Từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì
Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại Khuổi Nặm
(Pắc Bó, Cao Bằng).
Tháng 8/1942, lấy tên là Hồ Chí
Minh, Người đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội
Quốc tế chống xâm lược sang Trung Quốc bắt liên lạc với Đồng minh, cùng
phối hợp hành động chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Người bị
chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao của
tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Trong thời gian bị giam giữ, Người viết cuốn
Nhật ký trong tù. Tháng 9/1943, Người được thả tự do.
Tháng 9/1944, Hồ Chí Minh trở về căn cứ Cao Bằng;tháng 12/1944, Người chỉ
thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội
nhân dân Việt Nam ngày nay.
Tháng 5/1945, Hồ Chí Minh từ Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang).
Tại đây theo đề nghị của Người, Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội
Quốc dân đã họp quyết định Tổng khởi nghĩa. Đại hội Quốc dân đã bầu ra Ủy ban
giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ
tịch.
Tháng 8/1945, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo Nhân dân khởi nghĩa
giành chính quyền thắng lợi.
Ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người đọc Tuyên ngôn độc
lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam).
- Giai
đoạn 1945 - 1954
Những năm 1945 - 1946, Người cùng Trung ương Đảng lãnh đạo Nhân dân xây
dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, đối phó với thù trong, giặc
ngoài, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”; tổ
chức Tổng tuyển cử trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ
đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I
(1946) đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đại hội lần thứ II của Đảng
(1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt
Nam.
- Giai đoạn 1954 - 1969
Tháng 10/1956, tại Hội nghị Trung
ương Đảng mở rộng lần thứ X (khóa II), Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử giữ chức Chủ tịch Đảng.
Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (1960), Người được bầu lại làm Chủ tịch
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời là tổn thất vô cùng lớn
lao. Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta thương nhớ Người khôn xiết. Sự ra đi
của Người để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn dân tộc
Việt Nam và tình đoàn kết thân ái với nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách
mạng của Đảng ta, dân tộc ta, Nhân dân ta và vì hòa bình, tiến
bộ xã hội trên thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ
hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp
đẽ. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là
tấm gương sáng ngời cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí
Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta.
Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc Việt Nam và cho nhân
loại tiến bộ trên thế giới, năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn
hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết 24C/1865 nhân kỷ niệm
100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990) tôn vinh Người là
Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt
xuất của Việt Nam. Đây là vinh dự tự hào vô cùng lớn lao của Đảng và Nhân
dân ta.
Nhân kỷ niệm 133
năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy những thành tựu to lớn có ý nghĩa
lịch sử của dân tộc Việt Nam qua những năm đổi mới, trên nền tảng chủ nghĩa Mác
- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh thời
đại, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu:
dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.