Tuyên truyền Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2024) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2024)
Năm tháng qua đi nhưng Cách mạng Tháng Tám
1945, một cuộc đổi đời thực sự của dân tộc và toàn thể dân nhân Việt Nam, vẫn
là sự kiện trọng đại trọng lịch sử Việt Nam, với đầy đủ ý nghĩa thời đại lớn
lao và những bài học kinh nghiệm có giá trị.
Đầu năm 1945, Chiến tranh thế
giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Hồng quân Xô Viết liên tiếp giành thắng
lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt nước và tiến thẳng
vào sào huyệt phát xít Đức tại Béc-lin. Ngày 9-5-1945, phát xít Đức đầu hàng vô
điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngày 8-8-1945, Hồng quân Liên Xô tiến
công như vũ bão vào quân đội Nhật. Ngày 14-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều
kiện, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc.
Ở trong nước, trải qua các cuộc
diễn tập, đến năm 1945, phong trào cách mạng dâng cao. Ngày 9-3-1945, phát xít
Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ
Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho
tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu
tranh cho thích hợp. Tháng 3-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn
nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4-1945, Trung ương triệu tập Hội nghị
quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực
lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt
Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành
lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt
Nam.
Từ tháng 4-1945 trở đi, cao
trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức. Đầu
tháng 5-1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo
cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Ngày 4-6-1945, Khu giải phóng
Việt Bắc được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời, trở
thành căn cứ địa của cả nước. Tháng 8-1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng
họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập
đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay
phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba
nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: tập trung, thống nhất, kịp
thời. 23 giờ ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu
toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào
thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”;
quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức
Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi
thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định
cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự
giải phóng cho ta”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ
tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi
nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18-8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra
giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một
phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng
Nam... Ngày 19-8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23-8,
khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng
Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25-8, khởi nghĩa thắng lợi
ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây
Ninh, Bến Tre... Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ
cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền.
Chỉ trong vòng 15 ngày cuối
tháng 8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền
trong cả nước về tay nhân dân.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường
Ba Đình (Hà Nội) lịnh sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch
Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập,
tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay
là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 2-9 là Ngày Quốc khánh của
nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập,
tự do, chủ nghĩa xã hội.
Diễn biến cuộc cách
mạng tháng Tám ở xã Gia Thắng
Sáng sớm 19/8/1945 (tức ngày
12/7 âm lịch, có phiên chợ Me), lực lượng cách mạng xã Điềm Giang dùng thuyền,
một số người lội bộ (theo đường Tiến Yết) đến huyện lị Gia Viễn. Tại huyện lị,
Việt Minh huyện Gia Viễn, trung đội giải phóng quân của tỉnh cùng tự vệ các xã
trong huyện tiến vào treo cờ Việt Minh (cờ đỏ sao vàng) trên nóc trụ sở huyện
lị, Việt Minh huyện tuyên bố xóa bỏ bộ máy, chính sách, quy định của chính
quyền phong kiến, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng (lâm thời) huyện Gia Viễn
do đồng chí Nguyễn Văn Ất (là Chủ nhiệm Việt Minh huyện) làm Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cách mạng (lâm thời) huyện.
Ngày 20/8/1945, lực lượng
cách mạng và một số quần chúng nhân dân Điềm Giang do ông Trần Như Sỹ và Phạm
Đình Triệu dẫn đầu mang theo vũ khí tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở
huyện lị Gia Khánh và tỉnh lị Ninh Bình. Sau khi khởi nghĩa ở huyện thành công,
tại đền Thánh Nguyễn, Ủy ban nhân dân cách mạng (lâm thời) xã Điềm Giang được
thành lập do ông Trần Như Ước làm Chủ tịch, ông Phạm Ngọc Chúc làm phó Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cách mạng (lầm thời) xã.
Cùng thời gian này, ông Đỗ
Danh Bản, người xã Điềm Giang đã vận động binh lính ở Hòa Bình nổi dậy tham gia
cách mạng. Ngay sau ngày cách mạng tháng 8/1945, các ông Đỗ Danh Tính, Trần Như
Tốn, Trần Như Chỉnh xung phong nhập ngũ. Các ông tập trung lên huyện, sau đó
xuống tỉnh, được tỉnh cử vào đoàn quân Nam Tiến vào miền Nam mở đầu cuộc kháng chiến
tại Nam Bộ.
Tại địa phương, các làng xóm
tưng bừng như ngày hội; tự vệ, thanh niên, phụ nữ, thiếu niên, nhi đồng tham
gia biểu diễn văn nghệ, tổ chức cổ động, thiếu niên gõ trống, mang cờ, biểu ngữ
đi vòng quanh các xóm chào mừng khởi nghĩa thành công, chào mừng ngày Quốc
khánh, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Kỷ niệm 79 năm
Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam, chúng ta càng hiểu rõ giá trị lịch sử, thực tiễn sâu sắc mà cách mạng
Tháng Tám đã mang lại; đề cao lòng tự hào dân tộc, nhận thức đầy đủ trách nhiệm
của thế hệ hôm nay trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm
quý giá, nhưng tư tưởng mang tầm thời đại của Cách mạng Tháng Tám vào sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh./.