Di tích lịch sử văn hóa

       Xã Gia Thắng có nhiều di tích lịch sử văn hóa như miếu Thổ, phủ An Phú Vinh, chùa Cảnh Phúc, đền Đức Thánh Nguyễn. Các di tích, địa danh của Gia Thắng gắn liền sự khởi nghiệp của Đức Thánh Nguyễn với những chiến công to lớn, vẻ vang của quê hương. Nhiều di tích, bia đá (bến bia) của Gia Thắng nổi tiếng về nghệ thuật chạm khắc và giá trị lịch sử. Nhân dân trong vùng lưu truyền câu ca dao:

Làng Hối lắm cót, nhiều nia

Điềm Giang, Điềm xá lắm bia để thờ.

Theo cuốn “lịch sử Đảng bộ xã Gia Thắng”: Xã Gia Thắng xưa là nơi sinh ra Nguyễn Chí Thành (pháp danh Minh Không). Tương truyền, ngài sinh tại phường Bều, thuộc Đàm thôn (nay là xóm 6, thôn Quốc Thanh). Từ nhỏ, Nguyễn Chí Thành nổi tiếng thông minh, học giỏi, tu nghiệp đắc đạo trở thành nhà sư. Ông đi các nơi truyền đạo, xây dựng nhiều chùa, đúc nhiều chuông to lớn. Là nhà sư, Nguyễn Chí Thành còn là thầy thuốc tài giỏi. Năm 1136, vua Lý Thần Tông (húy Dương Hoán), hai mươi tuổi bị bệnh nặng, lông mọc đầy người, trong cung không ai chữa khỏi, triều đình triệu nhà sư Nguyễn Minh Không vào cung chữa khỏi bệnh cho vua, được vua kính trọng phong là Quốc sư, lại miễn thuế dịch cho vài trăm hộ vùng Đàm Gia. Theo truyền thuyết, khi Dương Hoán sinh cũng là nhà sư Từ Đạo Hạnh đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy vua bị bệnh lạ thì đến chữa ngay. Đạo Phật được thịnh hành trở thành quốc đạo. Mùa thu tháng 8 năm 1141, Quốc sư Nguyễn Minh Không mất, người đời sau tôn ông là Đức Thánh.

Nhân dân vẫn truyền nhau câu: “Đại Hữu sinh Vương, Điềm Dương sinh Thánh”. để nói về vùng đất địa linh đã sinh ra vua Đinh Tiên Hoàng và Thiền sư Nguyễn Minh Không, vị Quốc sư triều Lý, quê quán ở làng Điềm Giang.

Hiện nay, chùa Bái Đính (xã Gia Sinh) và nhiều đền, chùa ở Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh có tượng thờ Đức Thánh. Để ghi nhớ ơn đức của ông, nhân dân lập đền thờ ông tại xã Gia Thắng.

Đền còn thờ Thái sư Tô Hiến Thành, là vị đại thần có công bình Chiêm, phò ấu chúa là Lý Cao Tôn (1175-1210). Tô Hiến Thành là người con cầu tự tại đền. Bố đẻ ông là Tô Trung Công, làm quan lệnh doãn phủ Trường Yên đã cùng vợ về đây cầu tự và sau sinh ra ông.

           

Tòa Vọng Lâu đền Đức Thánh Nguyễn


        Đền Đức Thánh Nguyễn được xây dựng trên nền ngôi chùa cổ có tên là Viên Quang Tự do Nguyễn Minh Không lập vào năm 1121. Về sau, người dân địa phương cho là nền nhà cũ của Đức Thánh Nguyễn nên đã dời chùa sang phía tây, mà dành riêng nơi nhà cũ để thờ ông.

     Đền quay hướng nam, nằm song song với đường Tiến Yết, hướng về cố đô Hoa Lư nên được xem như là một di tích thuộc “Hoa Lư tứ trấn”. Tổng thể công trình kiến trúc rất quy mô, được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Đền gồm 4 toà làm theo kiểu tiền nhất, hậu công. Đầu tiên là Vọng Lâu – tòa nhà 3 gian, nơi tương truyền là nhà cũ của Thánh Nguyễn, với cây đèn đá dựng bên đầu hồi cao hơn một mét. Đây là biểu tượng cây đèn của Nguyễn Minh Không ngày xưa thắp sáng để ngồi thiền tịnh, ánh sáng chiếu rọi đến tầng mây trên không, vì thế nên nhân dân quanh vùng tôn hiệu ông là Thiền sư Minh Không. Đền chính xây dựng kiểu chữ công, gồm 3 tòa tiền bái, ống muống và chính tẩm, là công trình rất giá trị về cả hai mặt kiến trúc và điêu khắc. Theo văn bia còn lại ở dền thì công trình này được trùng tu lớn vào thế kỷ XVII, đến năm Bảo Đại thứ 3 (1928) tu sửa tiếp, nhưng nhìn chung đường nét kiến trúc nghệ thuật chạm khắc vẫn được bảo tồn như cũ, chỉ thay đổi chút ít.

 

Cấu trúc gỗ tòa Tiền bái – đền Đức Thánh Nguyễn

         Đầu hồi tòa Chính tẩm thực sự là những tác phẩm điêu khắc có giá trị cao. Hồi phía tây như khoe tài nghệ điệu khắc tứ linh với nhiều đề tài phong phú như long chầu, long ly vui đùa… thì hồi phía đông, nổi bật lên một đề tài  chạm khắc dân gian độc đáo. Trên ván bưng suốt dọc xà hạ là cảnh người cỡi voi, đôi nam nữ tư tình, cảnh 4 cô gái tắm tiên trên hồ sen, cảnh người lễ bề trên đang ngồi trên sập, có người hầu đứng bên, phản ánh ước vọng bình dân, rất chân tình mộc mạc, mang đậm sắc thái dân gian của nghệ thuật thế kỷ XVII.

                                     


Nghệ thuật chạm khắc trên cốn và xà nách tòa Tiền bái

 

 Mảng chạm hoạt cảnh – hồi phía đông tòa Chính tẩm

     Phía sau Chính tẩm là gác chuông có niên đại từ thời Mạc được bảo tồn nghiêm ngặt, hai tầng tám mái bằng gỗ lim. Hệ thống công trình kiến trúc phụ 2 phía đông - tây có tới 5 toà, với tổng số gian là 31 gian, gồm 2 dãy hành lang, 2 nhà trù, 1 gian thờ quan giám cũng được sắp xếp hài hòa, kích cỡ vừa phải không ảnh hưởng đến hệ thống công trình chính.

 

 Gác chuông đền Đức Thánh Nguyễn

     Đền Đức Thánh Nguyễn còn giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị cây đèn đá, cột kinh, các văn bia đá cổ thời Lê và Nguyễn, sóc đá, gạch trang trí hoa văn thời Lê, hai chân tảng bằng đá thời Lý – Trần, các nhang án, khám thờ thời Lê, các sắc thời Lê và Nguyễn… Đây là những tài sản văn hóa vô giá, góp phần nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

 

Cột kinh cổ - đền Đức Thánh Nguyễn

 

 Sóc đá thời Lê – đền Đức Thánh Nguyễn

      Lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch. (6 năm 1 lần)  Đây là dịp nhân dân địa phương tri ân đức thánh Nguyễn Minh Không. Trong phần lễ chính có tục rước nước từ sông Hoàng Long về đền, tế nam quan, tế nữ quan…Phần hội tổ chức các trò chơi dân gian như cờ người, hát chèo.

     Di tích đền Đức Thánh Nguyễn được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989.
                                                                                                                                                                  Nguồn: 
http://vhtt.ninhbinh.gov.vn/bai-viet/den-duc-thanh-nguyen.html


Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập