Theo các truyền thuyết, văn bia
còn lưu lại, từ thế kỷ X, các làng, xóm (thuộc Gia Thắng ngày nay) được hình
thành, có tên Đàm Gia Loan. Thời nhà Lý có tên Đàm Thôn. Thời nhà Mạc (năm
1553), chia Đàm Thôn thành Đàm Giang và Đàm Xá. Thời Hậu Lê (Năm 1573), vì
tránh tên húy của vua Lê Duy Đàm, đổi mới Đàm Giang thành Điềm Giang.
Năm 1862, huyện Gia Viễn có 12 tổng,
91 xã, thôn, phường, trang, trại. Trong đó, tổng Đại Hữu có 5 xã, phường: Điềm
Xá, Điềm Giang, Đại Hữu, phường Điềm Giang, Vân Long. Như vậy, ngoài xã Điềm
Giang lúc này có 7 xã, thôn: Đại Hữu, Hoài Lai, Vân Luy, Điềm Giang, Điềm Xá,
Điềm Khê, Mai Trung.
Suốt thời kỳ phong kiến đến tháng
7/1949, hai xã Điềm Xá (Gia Tiến), Điềm Giang (Gia Thắng) có tên gọi không thay
đổi, thuộc Tổng Đại Hữu. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, bỏ đơn vị hành chính
cấp tổng, hai xã Điềm Xá, Điềm Giang trực thuộc huyện Gia viễn. Đến tháng
7/1949, thực hiện sắc lệnh của Chủ tịch nước về thành lập các xã có quy mô lớn
(tương đương cấp tổng trước đây); kế hoạch của Ủy ban kháng chiến – hành chính
huyện Gia Viễn, 3 xã Điềm Xá, Điềm Giang và Đại Hoàng hợp nhất thành lập xã Gia
Thắng gồm các thôn Đào Lâm, Quốc Thanh, Vân La và các thôn thuộc xã Gia Tiến,
xã Gia Phương ngày nay. Thực hiện Quyết nghị 450/QN-TC ngày 05/12/1953 của
Chính phủ, xã Gia Thắng chia thành 3 xã: Gia Thắng, Gia Tiến và xã Gia Phương. Xã
Gia Thắng gồm 3 thôn: Đào Lâm, Quốc Thanh, Vân La.
Từ sau Cách mạng tháng Tám năm
1945 đến nay, cán bộ và nhân dân Gia Thắng phấn đấu từng bước nâng cao đời sống
nhân dân. Trong 32 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986 – 2018), kinh
tế xã hội Gia Thắng có sự phát triển tương đối toàn diện, đời sống nhân dân được
nâng cao, bộ mặt xã hội nông thôn ngày một tiến bộ.