Các danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Ninh Bình có giá trị đặc sắc đã được xếp hạng, ghi danh cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế, trong đó có các danh hiệu UNESCO nổi bật như: Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An có tổng diện tích khoảng 12.000 ha trên địa bàn 20 xã, phường thuộc tỉnh Ninh Bình; tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, là tín ngưỡng bản địa của người Việt; Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, là một khu dự trữ sinh quyển thế giới do UNESCO công nhận năm 2004 cho các vùng đất phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ, nằm ở cửa sông Đáy, sông Hồng và sông Thái Bình. Đây là khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển thuộc 3 tỉnh châu thổ sông Hồng là Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình.
Bên cạnh những danh hiệu UNESCO đã được công nhận nêu trên, tỉnh Ninh Bình đang phối hợp với tỉnh Hòa Bình và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh Mo Mường là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại; phối hợp với tỉnh Thái Bình và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng" là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại.
Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình định hướng đề xuất Chính phủ cho phép tỉnh nghiên cứu, xây dựng Hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh đối với nghệ thuật hát Xẩm là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại; hệ thống văn bia núi Non Nước là di sản tư liệu thế giới.
Sau 9 năm kể từ ngày Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, công tác quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị của Di sản Tràng An theo Công ước Di sản thế giới và các quy định của pháp luật Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực.
Các yêu cầu, khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới được thực hiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm; các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản được tôn trọng và gìn giữ; nhận thức của chính quyền địa phương và cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của Di sản được nâng lên rõ rệt; công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh; công tác xúc tiến, quảng bá, diễn giải các giá trị của Di sản gắn với phát triển du lịch thường xuyên được đổi mới; các khu, điểm du lịch trong khu Di sản đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân, thúc đẩy phát triển du lịch Ninh Bình.
Đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn Di sản, sinh kế của người dân trong vùng Di sản được đảm bảo. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững đã phát huy sức sống, tiềm năng và giá trị Di sản, để Di sản thực sự là của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ và gìn giữ.
Đối với Quần thể danh thắng Tràng An, các mục tiêu phát triển bền vững luôn đặt con người là trung tâm, là mục tiêu cho phát triển. Quản lý Di sản nhằm trao truyền cho các thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới gắn với phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, để Di sản thực sự là tài sản của của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ và vì cộng đồng đang là mục tiêu của các cơ quan quản lý Di sản của tỉnh Ninh Bình kể từ khi Tràng An được công nhận là di sản thế giới cho đến nay. Hằng năm, các cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng nâng cao sự hiểu biết, vai trò trách nhiệm của cộng đồng đối với Di sản thế giới.
Từ năm 2014 đến nay, các cơ quan chuyên ngành đã tổ chức 65 lớp tập huấn cho gần 9.000 người dân trong khu Di sản, tập trung vào các nội dung: Nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm, quản lý, bảo vệ Di sản cho cán bộ quản lý các khu du lịch, di tích lịch sử văn hóa, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho người dân làm dịch vụ tại các khu, điểm du lịch. Đồng thời, các cơ quan chức năng luôn tạo điều kiện để cộng đồng tham gia đóng góp ý kiến vào các kế hoạch, quy hoạch... trong khu Di sản.
Công tác bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch bền vững tạo thêm sinh kế mới cho người dân trong vùng được chú trọng. Số lao động trực tiếp tại khu vực Quần thể danh thắng Tràng An đạt trên 10.000 người, lao động gián tiếp đạt hơn 20.000 người, tập trung vào một số nhóm nghề như: Chèo đò, bán hàng, bảo vệ, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, vận hành các cơ sở lưu trú du lịch..., chưa kể những người kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ. Thu nhập của cộng đồng dân cư địa phương từ các hoạt động phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng được nâng cao rõ rệt qua từng năm, đời sống nhân dân được cải thiện. Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông trong khu vực Di sản được đầu tư nâng cấp, cải tạo đã tạo thuận lợi lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong vùng Di sản.
Tỉnh Ninh Bình cũng cân bằng lợi ích giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển, lợi ích của các bên liên quan trong bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Tràng An. Là một trong số ít di sản ít chịu sự tác động của con người, thậm chí con người và thiên nhiên hòa thuận, mang lại lợi ích cho nhau qua việc tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, hài hòa với lợi ích của các doanh nghiệp.
Từ khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản thế giới, Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành tỉnh Ninh Bình đã kịp thời ban hành các văn bản pháp lý về quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Hệ thống các chính sách ban hành đã xác định toàn diện về tầm nhìn, nguyên tắc, định hướng cơ bản việc quản lý và bảo vệ di sản; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói chung và phát triển du lịch nói riêng.
Tỉnh Ninh Bình đã vận dụng linh hoạt mô hình hợp tác công - tư, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên: Chính quyền - Cộng đồng - Doanh nghiệp. Mỗi bên khi tham gia đều phải có nghĩa vụ và trách nhiệm riêng. Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc bảo tồn di sản thế giới, nhưng tỉnh Ninh Bình cũng đối mặt với nhiều thách thức để phát triển một cách bền vững, thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch khu vực và quốc tế.
Đó là: Việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các hoạt động du lịch vẫn đặt ra trước mắt. Số lượng khách du lịch đến tham quan các khu, điểm du lịch trong khu Di sản tăng nhanh kéo theo nhu cầu cao về lưu trú du lịch, đặc biệt ở các khu vực có cảnh quan tự nhiên và khu dân cư nằm xen kẽ. Loại hình cơ sở lưu trú dạng homestay tự phát tăng nhanh, chủ yếu tập trung trong vùng lõi của di sản. Công tác quản lý đất đai, các hoạt động xây dựng, kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, sử dụng tài nguyên du lịch trong khu di sản chưa nghiêm, có vi phạm kéo dài, chưa xử lý triệt để. Công tác nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu về văn hóa, đa dạng sinh học còn ít, chưa có những công trình nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện về các giá trị của di sản. Công tác đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường chưa tương xứng với vị thế và tầm vóc của di sản. Các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch trong khu di sản triển khai còn chậm. Sản phẩm du lịch trong khu di sản còn trùng lặp, đơn điệu, thiếu các chương trình du lịch chuyên sâu về khảo cổ học, khám phá di sản gắn với các giá trị, truyền thống văn hóa - lịch sử về vùng đất Cố đô Hoa Lư...
Trước những thuận lợi và khó khăn được nêu ra, nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa và thách thức của biến đổi khí hậu cùng các vấn đề xã hội khác, tỉnh Ninh Bình luôn xác định quan điểm phát triển bền vững dựa trên nền tảng các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là về hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên, các danh hiệu UNESCO, tập trung vào các định hướng như: Xác định con người là trung tâm, là mục tiêu của phát triển bền vững, tăng cường sinh kế bền vững cho người dân trong vùng di sản. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện mô hình hợp tác công - tư trong quản lý, phát huy giá trị di sản, tạo động lực cho phát triển bền vững. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không thể tái tạo, hạn chế tác hại của thiên tai, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học - đây được coi là các nhiệm vụ cấp thiết trong bảo tồn phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững.
Cùng với đó, tăng cường năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực phát triển bền vững. Mục tiêu hướng tới của việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản là xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn có tính chuyên nghiệp cao, được trang bị và nắm vững những quy định của Luật Di sản văn hóa và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, cũng như những quy định của Công ước và Hiến chương quốc tế về Di sản thế giới. Tiếp tục và nâng cao công tác tuyên truyền cho cộng đồng, đặc biệt tại nơi có di sản được khai thác du lịch, nhằm làm cho cộng đồng thấy được tầm quan trọng và giá trị của di sản, về bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác đối với việc bảo vệ di sản, môi trường nói chung và môi trường du lịch nói riêng...
Theo lời khẳng định của bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới tại Việt Nam được tổ chức tại Ninh Bình vào ngày 6/9/2022: Khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên. Nơi đây đã trở thành hình mẫu, câu chuyện thành công trong việc duy trì mối quan hệ cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản.
Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình quyết tâm thực hiện các giải pháp đồng bộ, khoa học và có hiệu quả nhằm tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được, hoàn thiện các mô hình, cơ chế, chính sách nhằm thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, các danh hiệu UNESCO gắn với phát triển bền vững, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xuyên suốt của tỉnh.
Nguồn: baoninhbinh.org.vn